Home Trồng Lan Cách trồng Lan Sự ngủ, nghỉ của hoa lan và mùa nghỉ của Lan Giả hạc

Sự ngủ, nghỉ của hoa lan và mùa nghỉ của Lan Giả hạc

0
Sự ngủ, nghỉ của hoa lan và mùa nghỉ của Lan Giả hạc
Sự ngủ, nghỉ của hoa lan và mùa nghỉ của Lan Giả hạc
Sự ngủ, nghỉ của hoa lan và mùa nghỉ của Lan Giả hạc

Trong quá trình chăm sóc Phong lan bạn sẽ thấy nó có từng giai đoạn sinh trưởng tương đối rõ rệt: Lúc nhanh, lúc chậm, có lúc ngừng phát triển. Ví dụ với cây Đai châu: Sau Tết cũng là sau mùa hoa chừng 1 – 2 tháng, cây gần như không phát triển hoặc rất chậm. Đến đầu tháng 4 gặp những cơn mưa rào đầu tiên, cây bắt đầu phun rễ, đâm ngọn rất mạnh. Hay với cây Phi điệp phía Bắc. Vào Xuân, cây bắt đầu nẩy mầm (keiki). Từ cuối Xuân, vào Hè và đầu Thu, cây phát triển mạnh. Cuối Thu sang đầu Đông, cây bắt đầu đứng ngọn, ngưng phát triển chiều dài, phình thân. Vào Đông, cây ngừng phát triển, xuống lá… Tất cả các quá trình trên đều nằm trong CHU TRÌNH SỐNG của thực vật.

Mục lục nội dung

1 – Thế nào là sự ngủ, nghỉ?

Trạng thái ngủ, nghỉ là thời gian mà hoạt tính tế bào giảm nhiều nhất. Đó là một trong các phương thức giúp thực vật chống lại được điều kiện bất lợi của môi trường quá nóng,quá lạnh, quá khô hạn … Khi điều kiện thuận lợi, cây trở lại trạng thái hoạt động: Nảy mầm, chồi, sinh trưởng phát triển …

Trước khi bước vào giai đoạn ngủ, nghỉ cây tập trung tích lũy dưỡng chất cho phép mô qua được trạng thái không dinh dưỡng, không tổng hợp và trở lại trạng thái hoạt động ngay khi điều kiện môi trường thích hợp. Đặc biệt, khi ở trạng thái ngủ, nghỉ cây có khả năng chống chịu cao với điều kiện bất lợi môi trường.

Sự sinh trưởng không đều, giảm tạm thời hoạt tính như trên sau một loạt những biến chuyển bên trong cá thể được gọi là trạng thái ngủ, nghỉ.

2 – Những trạng thái nghỉ của thực vật

A – Nghỉ bắt buộc: Do điều kiện môi trường bất lợi. (Gặp thời tiết thuận lợi sẽ nảy mầm ngay).
B – Nghỉ sâu: Do yêu cầu sinh lý bên trong, là tính chất thích nghi có được trong quá trình tiến hóa và di truyền được. (Nếu có điều kiện môi trường thuận lợi cũng không nảy mầm được).
• Cũng có trường hợp nghỉ bắt buộc và nghỉ sâu trùng nhau.

3 – Thời điểm và một số đặc tính ngủ, nghỉ của cây Phi điệp

Như đã nói ở trên, mỗi loài Phong lan có thời điểm ngủ, nghỉ không hoàn toàn giống nhau. Nó phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên môi trường và tính đặc thù của từng loài. Với những cây Hoàng thảo nở hoa Xuân như Long tu xuân, Hạc vỹ, (Cây này có thể không xuống lá vẫn cho hoa, nhưng kém) Ht Vôi, Long tu lào (cây Lào thường ra muộn hơn cây Xuân chừng 15 – 30 ngày), … thì thường mùa nghỉ trước Tết 1 – 2 tháng.

Phi điệp thuộc loài “thân thảo lâu năm” có mùa nghỉ mang tính thích nghi khi gặp điều kiện môi trường bất lợi độ ẩm và nhiệt độ xuống thấp nhất trong năm (Mùa khô ở phía Nam, khô lạnh ở phía Bắc) và có tính di truyền (Dù thời tiết thế nào thuận lợi hay bất lợi thì cuối chu kỳ sinh trưởng cây cũng ngừng phát triển bước vào ngủ nghỉ.

4 – Nhận biết và chăm sóc

A – Nhận biết:
Không giống như các loài Giáng hương hay Vanda mùa nghỉ của cây Phi điệp khá dễ nhận ra. Giai đoạn đầu: Lá trên ngọn bé dần, cây phình thân, ngọn thu và đứng, rễ có thể vẫn đua.
Giai đoạn 2: Rễ không phát triển (rễ nhăn,đầu rễ màu đen), thân đanh chuyển màu, lá vàng và bắt đầu rụng từ gốc hoặc từ ngọn. Nếu giữ cây ở môi trường ẩm, tưới thường xuyên cây có thể ít hoặc không xuống lá.

B – Chăm sóc:
– Ánh sáng (Nắng)
Giai đoạn ngủ nghỉ cũng là giai đoạn quan trọng để cây chuẩn bị bước vào thời kỳ làm nụ. Cây cần nhiều nắng để chuyển hóa từ chồi sinh dưỡng (keiki) sang chồi sinh sản (hoa).

– Phân thuốc:
Về nguyên tắc:
+ N cần cho cây trong cả giai đoạn sinh trưởng và phát triển.
+ P cần cho cây trong giai đoạn làm nụ.
+ K cần cho cây trong giai đoạn phát hoa và thời tiết bất lợi.
Tuy nhiên, vào mùa nghỉ khi gần như toàn bộ các cơ quan hấp thụ dinh dưỡng đã dừng hoạt động thì không sử dụng bất cứ một loại phân nào.

– Tưới nước: (Vụ này vẫn cãi nhau ỏm tỏi chưa phân thắng bại!)
Ngày nay, với hàng tá chất điều hòa sinh trưởng Tây, Tầu và cả Ta, người chơi có thể làm nhiều điều tưởng như bất khả thi. Như cho cây nở hoa hay nhẩy keiki trái vụ tóm lại là thay đổi chu trình sống của cây … tất nhiên là với môi trường đã được kiểm soát tốt từ nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm …

Có một điều, phải mất rất rất nhiều thời gian cây mới có thể thích nghi và thay đổi nhịp điệu sinh học của nó. Vậy nên, nếu bạn chưa có một cái nhà kính, đèn LED sinh học, máy kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông thoáng … vân vân … và mây mây … thì hãy bỏ ngay cái ý định ấy đi trước khi bà xã xách bình nước sôi ra vườn!

Với quan điểm cá nhân là thuần cây lan theo điều kiện thực tế vườn nhà nhưng vẫn nương theo tập tính loài đặc biệt là tôn trọng CHU TRÌNH SỐNG của cây mình vẫn giảm rồi bỏ tưới theo từng giai đoạn ngủ nghỉ của cây ứng với điều kiện môi trường thực tế.

Lưu ý: Trước khi bước vào giai đoạn ngủ nghỉ, cây tập trung tích lũy các chất dinh dưỡng cần thiết để chuẩn bị cho mùa hoa và nhất là sẵn sàng bước sang một chu kỳ sống mới khi thời tiết thuận lợi. Để chuyển hóa chất dinh dưỡng thì cần phải có nước tức là giai đoạn này phải tưới đều, tưới nhiều đừng nghe các cao thủ xúi bậy mà bỏ tưới giai đoạn ấy nhé!

Previous article Bệnh Thán Thư trên lan, cách nhận biết và phòng trừ
Next article Chăm sóc Hoa Lan mùa Lạnh
Lan Tự Nhiên là 1 nhóm những người bạn yêu thích trồng phong lan tại Việt nam. Từ những kinh nghiệm thực tế, chúng tôi muốn chia sẻ lại những hiểu biết về trồng, chăm sóc phong lan cũng như chia sẻ đam mê thú vui chơi phong lan của mình. Hy vọng những kiến thức của chúng tôi chia sẻ sẽ giúp ích được các bạn trong quá trình trồng và chăm sóc cây phong lan, cũng như chia sẻ đam mê thú vui chơi phong lan của các bạn.
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận
0
Hãy chia sẻ kinh nghiệm của các bạn nhé!x