Home Nghiên cứu & Bảo tồn Top 4 cây lan kiếm trong TỨ ĐẠI DANH KIẾM việt

Top 4 cây lan kiếm trong TỨ ĐẠI DANH KIẾM việt

0
Top 4 cây lan kiếm trong TỨ ĐẠI DANH KIẾM việt

Lan Kiếm hiện nay đang được nhiều người chơi lan khá ưa chuộng. Trong đó những cây lan kiếm đột biến đang được chú ý hơn cả. Cùng điểm qua 4 cây kiếm đang được mệnh danh tứ đại danh kiếm qua bài viết sau nhé.

lan kiếm

Mục lục nội dung

1. Lan Kiếm Hoàng Long

Hoàng Long có nghĩa là “Rồng Vàng” – biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Đây là câu lan kiếm mang vị thế “Quân Vương” bởi vẻ đẹp xuất sắc, toàn diện cả về củ, lá và hoa. Với thân thủ phi phàm, cốt cách và thần thái bậc nhất. Hoàng Long được coi là bảo bối trấn vườn của các kiếm thủ trong làng lan kiếm Việt.

Đặc điểm của lan kiếm Hoàng Long khi trưởng thành củ sẽ mập hơn lon bia, hơi thon phần cổ lá. Bộ lá xòe mở, vút thẳng, bản lá dày và to bậc nhất trong làng kiếm. Thùy lá xanh sạch và lá có thể đạt 5-6cm là rất bình thường. Cây lan kiếm Hoàng Long khi tốt lá có thể đạt 7cm thậm chí hơn 7cm. Tình trạng lá láng chuyển sần của khá phổ biến. Lá sần mang tính di truyền, cho đến nay chưa có biện pháp chuyển sần thành láng hữu hiệu, bền vững được công bố.

lan kiếm hoàng long

Lan kiếm Hoàng Long có mùi hoa thơm khá đậm. Khi nở hoa sẽ có một màu vàng sáng rực rỡ. Cánh bầu xếp cân đối tương đối khít khi mới nở. Lưỡi trắng ánh hồng quyến rũ, giữa lưỡi có ánh vàng lan vào họng và lên trụ nhụy. Cần hoa xanh, dài, thẳng, dày bông, phân hoa đều, rủ xuống như chuỗi ngọc. Soi kỹ mỗi giò, mỗi lần nở hoa mỗi khác một chút.

Tùy mùa, tùy cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, tiểu khí hậu của mỗi vườn và thời tiết ở mỗi địa phương. Hoa nở đẹp nhất trong 8-12 giờ đầu khi lưỡi duỗi thẳng, sau đó lưỡi hơi cuộn lại và cánh hoa dần chuyển màu vàng đậm hơn. Còn có dòng “Hoàng Long lùn” với thân lá rất ngắn, có thể do khác biệt lâu ngày về cách cho ăn nắng, cách tách cây, cách phân thuốc.

hoa lan kiếm hoàng long

2. Lan Kiếm Vàng Củ Chi

Vàng Củ Chi được mệnh danh là cây kiếm “Trấn Môn”, bởi nó khởi nguồn từ Củ Chi – vùng đất thép thành đồng ở cửa ngõ tây bắc Sài Gòn. Nơi đã hiên ngang vượt qua bao tháng năm lửa đạn khốc liệt. Và cũng bởi thần thái dõng dạc của cây lan kiếm mang đậm tính cách của những người con đất phương Nam vừa kiên trung, bất khuất vừa hào sảng, khoáng đạt và chân tình.

lan kiếm vàng củ chi

Lan Kiếm Vàng Củ Chi có củ nhỏ, lá cứng ngắn vươn thẳng, đa số sần nhẹ. Bản lá vừa phải (thường không quá 4-5 cm), hai thuỳ đầu lá tròn. Thân lá khiêm tốn có thể coi là một điểm trừ của lan kiếm Vàng Củ Chi. Nhưng nuôi trồng tốt sau 1-2 năm thân lá phát triển mướt xanh không thua kém mấy so với các cây lan kiếm khác.

Lan kiếm Vàng Củ Chi có hoa mùi thơm dịu nhẹ. Khi nở có cánh hoa hơi nhọn bung thẳng căng, đượm một màu vàng dịu rực rỡ không tỳ vết. Lưỡi to hình trái tim không hề bị cụp. Màu trắng pha sắc hồng, có ánh vàng ở giữa lan lên toàn trụ nhụy. Cần hoa dài, dày hoa, với điểm đặc sắc là phân hoa thành chùm một (từng cụm 2-3-4 hoa cách đều nhau).

hoa lan kiếm vàng củ chi

3. Lan Kiếm Xanh Huế

Xanh Huế – cây lan kiếm hoa xanh xứ Huế, hoặc gọi đơn giản là kiếm Huế. Xanh Huế được mệnh danh là cây kiếm “Vô Vi”. Vô Vi bởi nét thuần khiết của cây kiếm var. alba, và còn bởi nơi ấy là đất Phật linh thiêng. Vô Vi là vượt lên trên những vô thường, bất toại nguyện của thực tại, như đóa sen vô nhiễm với bùn lầy. Vượt lên bùn lầy dơ tanh để tỏa hương thơm ngát. Phật pháp bất ly thế gian pháp, nên Vô Vi không phải là không làm gì, bàng quan với thực tại, mà là làm thật tốt những việc cần phải làm. Vô Vi nhắc nhở chúng ta có những lựa chọn hợp lý, làm chủ chính mình, hướng đến sự an yên trong lòng.

Theo đó Kiếm xanh Huế là cây lan có bộ lá khỏe giương vút. Bản lá xanh ngát có thể đạt 6-7cm, mầm măng thuần màu nõn chuối.

lan kiếm xanh huế

Khi nở hoa Lan Kiếm Xanh Huế có hoa mùi thơm dịu thanh thoát. Mặt hoa mang 5 cánh màu xanh ngọc (người đất lúa gọi là màu xanh cốm) không tỳ vết. Kết hợp hài hòa với lưỡi hoa cả 3 thùy màu trắng tinh khôi. Nơi cuống lưỡi hoa điểm một vệt xanh ngọc lan lên toàn trụ nhụy. Bông hoa sáng màu tinh khiết, long lanh như có ánh lân tinh dưới nắng. Cần hoa rủ duyên dáng, tương đối dài và dày hoa. Đặc trưng cần hoa phân không đều ở 3-4 bông đầu tiên.

Hoa nở sau vài ngày sẽ chuyển sang màu vàng nhạt, ánh xanh mất dần, lưỡi gập (hơi vẹo chút). Càng ở nơi nhiều nắng gió, hoa nở càng mang ánh vàng nhiều hơn.

hoa lan kiếm xanh huế

4. Lan Kiếm Vị Hoàng

Vị Hoàng được mệnh danh là cây kiếm “Quốc Dân”. Quốc Dân bởi đây là cây kiếm hầu như phải có trong vườn của mỗi kiếm thủ. Dù là người mới chơi hay nghệ nhân, lão làng ai cũng có thể sở hữu được. Nó không quá hiếm, cũng không quá nhiều giá trị, nhưng vẫn đẹp toàn diện, đủ khác biệt với bao cây lan kiếm khác.

Lan Kiếm Vị Hoàng có 2 thùy đầu lá xanh sạch. Bẹ lá nhiều gân, bản lá vừa phải (5cm đổ lại) không dầy nhưng khá cứng, vươn không oằn èo.

lan kiếm vị hoàng

Khi nở, hoa có mùi thơm dịu nhẹ. Ba cánh đài của hoa lan kiếm Vị Hoàng sạch sẽ. Hai cánh tràng còn vương vấn chút hơi đồng nơi gốc và chót cánh. Thùy giữa của lưỡi vươn ra có viền trắng và các chấm hoa văn đa dạng sắc thái. Hai thùy bên của lưỡi đượm màu mắm làm bệ đỡ cho trụ nhụy vàng óng. Chính cái trụ nhụy sạch, vàng rực rỡ là điểm nhấn làm nên tên tuổi của Vị Hoàng Kiếm. Cần hoa xanh, thẳng với sự phân hoa đều nhau trên cần. Hoa văn của lưỡi mỗi lần đơm hoa có thể biến thiên ít nhiều. Đầu trụ nhụy (mũi) sạch hoàn toàn, nhưng cuống trụ nhụy một số bông có thể biến thiên, lem chút màu sẫm.

hoa lan kiếm vị hoàng

Trên đây là đặc điểm minh họa và hình ảnh của 4 cây lan kiếm được mệnh danh tứ đại danh kiếm hiện nay. Hy Vọng qua bài viết sẽ cung cấp được cho mọi người đặc biệt là các bạn yêu lan một tư liệu về cách nhận biết về mỗi loại này

Theo Hoàng Xuân Thành

guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả các bình luận
0
Hãy chia sẻ kinh nghiệm của các bạn nhé!x