Cấu tạo sinh học của một bông hoa Giả Hạc:
Cánh đài: 1 bông Giả Hạc gồm 3 cánh đài (1 đài lý, 2 đài cạnh) có độ lớn tương đương nhau, phân bố cân đối thành hình tam giác cân xét trên bố cục tổng thể của bông hoa. Có chức năng bảo vệ nhị và nhụy hoa
Cánh hoa (cánh vai): Thực chất, cánh đài và cánh hoa của bông Giả hạc tạo thành bao hoa có chức năng bảo vệ nhị và nhụy hoa, bộ phận sinh sản chính của hoa.
Môi (Lưỡi): đây là biến dạng của cánh hoa của bông và cũng là bộ phận đẹp nhất của hoa Giả hạc. Cấu trúc hình phễu, có lớp lông của môi hoa cho kết quả thụ phấn rất hiệu quả.
Trụ hoa (mũi): Ở giữa hoa Giả hạc có một trụ nổi lên, đó là bộ phận sinh dục của cây, giúp cây duy trì nòi giống. Trụ gồm nhị và nhuỵ. Sau khi thụ phấn, các cánh hoa héo, cuống hoa hình thành quả lan Giả hạc.
Cần phải nói, cái đẹp trong mắt mỗi người là không hề giống nhau, nên để tìm lời giải cho câu hỏi: Thế nào là một bông hoa Giả Hạc đẹp quả thực khó và chỉ mang tính chủ quan. Trước tiên, một bông Giả Hạc đẹp (ĐẸP nhé, không phải LẠ) phải thể hiện trên Khuôn bông và Màu sắc.
Nhân trắc học không có con số cụ thể với tỷ lệ của khuôn mặt đẹp, tuy nhiên, nó chỉ ra: Một khuôn mặt đẹp là mắt, mũi, môi, cằm… có kích thước và sự phân bố hài hòa. Điều này khá đúng với với một bông Phi điệp. Khuôn bông cân đối hài hòa chính là cái đầu tiên gây ấn tượng với người nhìn. Về màu sắc thì có lẽ không nên bàn đến vì ông thích tím đậm, bà thích tím nhạt, anh thích hồng, chị thích sáng màu …
Muốn nói gì thì nói, không cần biết tím hay hồng, bầu hay nhọn, bệt hay tròn, nai hay xước, quan điểm của cá nhân của mình là một bông Giả hạc đẹp cần có những yếu tố sau: Vai ngang, cánh bay, môi tim, họng khép, mắt sắc, thùy chia, từ nở đến tàn môi không trề. Tuy nhiên, …hơ hơ … vẫn là tuy nhiên … Nếu nó do tự tay mình trồng và là của mình thì bông nào cũng đẹp, và cái quan trọng nhất: Tình yêu. Đó là lý do vì sao Thị Nở luôn là người đàn bà đẹp nhất trong mắt Chí Phèo.