Lan Giáng hương theo thống kê thì có 7 loài chính và một số biến thể của loài. Những loài lan Giáng hương nhiều hoa như hoàng nhạn, sóc, cáo được người chơi rất ưa chuộng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết hết các loại này. Cùng đi tìm hiểu nhé.
Lan Giáng Hương lá dày Aerides crassifolia Parish & Rchb. f 1874. Cây lan này thường được người chơi lan gọi là Hồng sắc, Quế tím. Lá dày và cứng. Loài này được tìm thấy nhiều nhất là Lâm Đồng, Đăk Lăk, Komtum, Pleiku. Mỗi chùm có đến 30 bông, cành hoa dài 20 – 30cm, có rất nhiều màu sắc khác nhau như hồng, tím đậm hoặc tím nhạt. Cây sẽ cho hoa vào mùa xuân và kéo dài đến hết mùa hạ.
Lan Giáng Hương Quế, Giáng xuân Aerides falcata Lindl. & Paxton 1851. Thường được gọi là Tam Bảo Sắc. Nó được xem như là loài phổ biến nhất và dễ trồng nhất ở Việt Nam. Loài này thường mọc ở phía bắc nhiều hơn phía nam. Đặc trưng bởi những bông hoa màu trắng pha tím. Nó gần giống với loài Giáng hương Quế nâu, nhưng không có màu vàng nâu như Giáng hương Quế nâu.
Lan Giáng hương quạt Aerides flabellata Rolfe ex Downey 1925. Tên thường gọi là lan rẻ quạt. Loài này trước chỉ bắt nguồn từ miền Tây Bắc, nhưng nay có phát hiện thêm vùng phân bố tại Tây Nguyên. Chúng có phần lá hơi cong và dài tầm 15cm. Hoa của giáng hương quạt thường nở thành chùm, dài đến 25cm, mỗi cành có từ 3 – 7 bông. Hoa của cây có màu nâu vàng với hương thơm rất quyến rũ làm say mê lòng người. Giống hoa này sẽ nở rộ vào thời điểm cuối đông – đầu xuân.
Lan Giáng hương quế nâu Aerides houlletiana Rchb. f. 1872. Theo một số nhà khoa học thì cây Giáng hương này thực ra chỉ là biến thể của cây Giáng Xuân – A. falcata, vì chỉ khác mỗi màu vàng nâu trên cánh hoa. Tuy nhiên sự khác biệt này không nhiều. Phần lá loài này cứng và dày dài khoảng 20 – 25cm. Chúng có những bông hoa mọc thành chùm từ 15 – 20 bông, có màu nâu nhạt hoặc nâu vàng. Hoa nở rộ vào mùa xuân và mùa hạ, chúng có mùi hương nhẹ, dịu dàng và được tìm thấy nhiều tại Đà Lạt, Tây Ninh…
Lan Giáng hương nhiều hoa Aerides multiflora Roxbury 1823. Đây là cây lan được dân gian gọi là Sóc lào, Sóc Ta. Là loài lan đặc trưng của rừng khộp ưu thế họ Dầu. Mỗi chùm hoa có khá nhiều bông, khoảng chừng 50 bông, hoa có màu tím nhạt, hương thơm nhẹ và nở rộ vào mùa hạ. Giáng hương nhiều hoa mọc chủ yếu ở khu vực Nam Cát tiên và Tây Nguyên.
Lan Giáng hương thơm Aerides odorata Poir. Lour. 1790. Cây phong lan này được người chơi gọi là Hồng nhạn. Lá của loài giáng hương này khá dày và cứng, những bông hoa sẽ mọc thành chùm với chiều dài chừng 30cm. Mỗi chùm hoa có từ 20 – 30 chiếc với màu hồng, cánh môi tròn, đây chính là điểm khác biệt của giáng hương thơm so với những giống lan khác.
Lan Giáng xuân nhiều hoa Aerides rosea Loddiges ex Lindl. & Paxt. 1851. Đây là cây Cáo bắc, Đuôi cáo. Và nó chỉ phân bố ở vùng núi phía bắc các tỉnh Cao Bằng. Thường nở vào mùa xuân và kéo dài đến hết hạ. Lan này sẽ khó có hoa nếu được trồng ở vùng có khí hậu nóng. Đặc điểm là vòi hoa rất dài, có khi lên đến 50cm có màu tím hồng. Hoa phân làm nhiều nhánh mỗi chùm có từ 20 – 25 bông mọc sát nhau
Ngoài ra, còn có các biến thể của các loài trên mà người chơi lan hay phân ra các loài khác :
Lan Giáng hương Hoàng nhạn. Đây là cây biến thể của Giáng hương quế nâu – Aerides houlletiana, hay mọc ở các khu rừng tỉnh gia lai. Đặc điểm khác biệt với Quế nâu là lá ngắn và cứng hơn, vòi hoa ngắn hơn, cứng và dày hoa hơn, màu vàng trên hoa đậm hơn. Hoa rất thơm
Lan Giáng hương Bạch nhạn. Đây là cây Hồng Nhạn đột biến – A. odorata var alba
Lan Giáng hương quế vàng, quế trắng. Cây này là biến thể của Giáng hương thơm, Hồng nhạn. Có thể là một loài phụ của Hồng nhạn, đặc điểm là thân lá thì giống GH Quế nâu, nhưng hoa thì giống hoa của GH Hồng nhạn, nhưng có màu vàng và không còn đốm tím.
Bài viết hay
20 loài lan hài Việt Nam