Thiếu hay thừa chất dinh dưỡng đều không tốt cho sự phát triển và ra hoa của lan, thậm chí còn khiến cây dễ nhiễm bệnh. Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy lan bị thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng.
Mục lục nội dung
1. Đạm
Dấu hiệu khi lan thiếu đạm là cây còi cọc mặc dù rễ ra rất nhiều. Cùng với đó, lá chuyển sang màu vàng theo quy luật “lá già vàng trước, lá non vàng sau”. Trong khi đó, lan thừa đạm thì lá xanh mướt hơn bình thường nhưng lại mềm yếu, dễ bị sâu bệnh, đầu rễ bị cháy hoặc chuyển sang màu xám đen, cây khó ra hoa.
2. Lân
Khi thấy lan còi lọc, lá nhỏ ngắn, màu xanh đậm, rễ không trắng sáng và cây khó ra hoa thì có thể xác định lan đang bị thiếu lân. Ngược lại, cây ra hoa nhiều nhưng hoa nhỏ, ngắn và không đẹp, đặc biệt sau khi ra hoa thì cây bị mất sức nhanh chóng và khó phục hồi thì đó là dấu hiệu của cây bị thừa lân. Thừa lân thường kéo theo thiếu kẽm, sắt và mangan.
3. Kali
Dấu hiệu rõ rệt nhất khi lan thiếu kali là lá bị xoắn lại, vàng dần từ 2 mép vào chóp lá. Mặc dù ra hoa nhưng rất chậm, và chất lượng hoa không đạt (hoa nhỏ, màu không tươi, dễ dập nát), đặc biệt là cây mềm yếu và dễ bị sâu bệnh tấn công. Còn nếu thừa kali, lá lan nhỏ, không mỡ màng, và thường dẫn đến thiếu canxi, magiê.
4. Các chất dinh dưỡng khác
Quá trình trồng và chăm sóc lan, nếu lan mắc các dấu hiệu dưới đây thì có thể khẳng định lan đang bị thiếu các chất dinh dưỡng khác, ngoài trừ 3 chất dinh dưỡng chính kể trên:
– Thiếu lưu huỳnh: Cây còi cọc, lá non chuyên sang màu vàng nhạt, chồi kém phát triển, số hoa giảm.
– Thiếu magiê: Cả thân và lá đều èo uột, phần trong lá bị vàng mặc dù 2 bên gân vẫn còn xanh, cây dễ sâu bệnh, khó nở hoa.
– Thiếu canxi: Cây kém phát triển, thân mềm, lá nhỏ, rễ ngắn, dễ bị sâu bệnh tấn công.
– Thiếu kẽm: Lá xuất hiện các đốm nhỏ hoặc vệt sọc màu vàng, lá non ngắn, hẹp và mọc sít nhau, cây thấp, khó ra hoa.
– Thiếu đồng: Phiến lá quăn và chuyển sang màu vàng, đầu lá chuyển sang màu trắng, số hoa hình thành ít.
– Thiếu sắt: Lá non chuyển sang trắng nhạt, cây còi cọc, ra ít hoa.
– Thiếu mangan: Gân lá non úa vàng, đốm non xuất hiện từ cuống lá rồi lan ra cả cây.
– Thiếu clo: Lá xuất hiện các vệt úa vàng, sau chuyển sang màu đồng thau.
– Thiếu Bo: Lá dòn và cong lên, cây dễ bị chết khô, số nụ hoa ít, hoa dễ bị rụng, không có mùi thơm.
– Thiếu Molypden: Mép lá khô dần, đốm vàng xuất hiện ở gân lá dưới, cây kém phát triển.
Nếu lan mắc các dấu hiệu kể trên, cần có sự điều chỉnh lượng phân bón và hàm lượng chất dinh dưỡng phù hợp.