Bài viết này mình xin chia sẻ với các bạn về những ưu nhược điểm khi sử dụng Trichoderma và Pseudomonas trên hoa Lan qua thời gian sử dụng thực tế khoảng 3 tháng sử dụng tại vườn. Bài viết này không nhằm mục đích quảng cáo hay xuyên tạc thông tin sản phẩm, nó chỉ là kết quả thực tế do mình sử dụng.
A – SƠ LƯỢC VỀ PSEUDOMONAS và TRICHODERMA DÙNG CHO HOA LAN
– PSEUDOMONAS là 1 dạng phân bón Cung cấp vi lượng sắt (Fe). trong phân bón có chủng vi sinh vật pseudomonas fluorescens có khả năng đối kháng, tiêu diệt nấm Fusarium solani, Phytophthora palmivora và các loại nấm gây bệnh vàng lá thối rễ và bệnh thối đen, thối nhũn trên hoa Lan.
– TRICHODERMA là 1 dạng chế phẩm sinh học dùng khống chế các bệnh do nấm Phytophthora sp, Fusarium sp, Phytophthora Palmivora… gây bệnh xì mủ, thối lỡ cổ rễ, chết yểu. Phòng ngừa hiệu quả đối với các bệnh héo rũ (do nấm), héo tươi (do khuẩn) ở các loại cây trồng, cây cảnh, hoa lan, khống chế tuyến trùng nốt sưng. Bảo vệ và kích thích bộ rễ phát triển, hấp thụ được nhiều dinh dưỡng, tăng sức chịu đựng cho Lan
B – ƯU ĐIỂM
Thứ nhất: khi sử dụng Trichoderma và Pseudomonas trên hoa lan các bạn có thể hoàn toàn yên tâm đến vấn đề môi trường và sức khỏe vì đây là sản phẩm sinh học, thân thiện môi trường và con người, khi tưới không cần phải mang đồ phòng hộ, tiện lợi cho các gia đình có phụ nữ mang thai hoặc trẻ nhỏ. Thêm đó các bạn có thể an tâm khi ra ngắm, chăm sóc vườn lan của mình mà không sợ lượng thuốc tồn dư như hoá học. Tưới nhiều Trichoderma và Pseudomonas trên hoa lan thì cũng không gây hại cho lan nhà bạn cả.
Thứ 2: Trichoderma và Pseudomonas dùng trên hoa lan có tác dụng trừ nấm trên giá thể. Rất rõ ràng như các bạn có thể thấy trên hình. Trên hình là cây vú sữa mình trồng cây con giống quế lan lá xếp, bị nấm giá thể, mình pha Trichoderma và Pseudomonas cho hoa lan theo liều mỗi loại 10g cho 5l nước, 1 tuần phun 1 lần, kết quả sau 2 lần phun đã thấy rõ rệt.
Thứ 3: tác dụng trị thối nhũn. Hai cây hồ điệp mình mua về bị thối phần lá, thông thường mình sẽ cắt bỏ phần thối đi, bôi keo liền sẹo và vôi sệt để tránh lây lan sang các phần khác. Nhưng hôm đó mình quyết định thử nghiệm khả năng trị thối nhũn của Trichoderma và Pseudomonas trên hoa lan nên quyết định để nguyên lá và phun 2 em này lên với liều lượng như trên. Kết quả phần lá thối nhũn tự héo lại như các bạn thấy sau 1 tuần, phần còn lại của lá không bị lây bệnh. Điều này chứng tỏ khả năng trị nấm thối nhũn của hai loại này rất tốt. Nếu dùng vào mùa mưa có thể ngừa bệnh thối trên lan rất hiệu quả.
Ngoài ra Trichoderma và Pseudomonas có thể pha trộn chung với các loại phân bón hữu cơ khác để hình thành nên phân bón rất tốt cho lan. Mình trộn với phân dê rồi ủ sau đó bón trực tiếp vào gốc, sau 1 tháng thử nghiệm thấy cây phát triển khỏe mạnh, không có dấu hiệu ngộ độc. Nhưng cái này mình tự ủ và có dùng thêm phân trùn quế để bón nên không chắc hiệu quả thuộc về cái nào nên các bạn có thể tham khảo.
C – NHƯỢC ĐIỂM
1. Trichoderma và Pseudomonas chỉ có thể pha trộn chung với các loại phân sinh học (chuối, humic, phân dê, phân bò,…) để bón cho lan nhưng không thể pha trộn chung với các loại phân hoá học, vd: 30-10-10, 20-20-20, 6-30-30. Do đó khi bón phân hoá học cần đợi 1 tuần sau mới dùng hai loại trên.
2. Trichoderma và Pseudomonas dùng cho hoa Lan không dùng chung với các thuốc trị nấm, bệnh khác được.
3. Trichoderma và Pseudomonas dùng cho hoa Lan là sản phẩm sinh học nên tác dụng chậm hơn so với các loại hoá học cùng loại.
Trên đây là những cảm nhận thực tế của mình khi sử dụng Trichoderma và Pseudomonas cho hoa Lan, các bạn có thể tham khảo, nếu bài viết đạt được phản hồi tốt mình sẽ viết thêm một bài về những ưu nhược điểm của dịch chuối.
Nếu thấy bổ ích hãy like và chia sẻ nhé!!