Phân bón cho lan và cách áp dụng trong suốt giai đoạn phát triển của nó rất qan trọng. Cũng giống như chăm sóc các loại cây khác. Chăm sóc lan cũng đòi hỏi phải thực hiện những biện pháp bón phân hợp lý mới có được vụ mùa năng suất cao.
Mục lục nội dung
Tìm hiểu về phân bón cho lan
Về cơ bản, phong lan cũng như người. Để phát triển đầy đủ ngoài việc cần ánh sáng và không khí thì còn cần chất dinh dưỡng là phân bón.
Phân bón cho phong lan và mọi loại cây trồng cần là 3 loại thiết yếu gồm: N (Đạm, tương đương như thịt mỡ cho người); P (Lân, tương đương như thịt nạc cho người) và K ( Kali, tương đương như chất xơ, rau củ quả cho người). Ngoài ra còn cần thêm khoảng 18 loại trung, vi lượng khác (có trong bảng kèm theo).
Nhóm phân cần dùng thường xuyên cho lan là đa lượng như N, P, K. Nhóm phân hay dùng nhưng không cần nhiều, gọi là nhóm trung lượng, như Ca, Mg, S. .. Nhóm cần dùng rất ít nhưng rất quan trọng cho mỗi quá trình ra rễ, tạo mầm hoa, kie hay để sản sinh ra chất tự bảo vệ, gọi là nhóm vi lượng như: Bo, Cu, Zn, Mo…
Trong suốt cả thời kỳ phát triển của cây đều cần lượng N – P – K nhưng với hàm lượng khác nhau cho mỗi giai đoạn phát triển. Trung vi lượng thì tuỳ theo từng giai đoạn. Có thời điểm cần loại này, không cần loại kia và ngược lại.
Nhu cầu phân bón cho lan các giai đoạn phát triển
Nhìn ở một góc độ đơn giản hơn thì đạm (N) kích thích thân, lá phát triển mạnh. Lân ( P) kích thích mầm, rễ, chồi phát triển mạnh. Kali (K) cần cho quá trình tạo hoa quả và tăng chất lượng hoa quả. Đủ K mầu hoa sẽ đẹp hơn, quả nhiều hạt hơn.
Trên cơ sở đó, có thể chia việc sử dụng các loại phân bón cho lan thành 3 nhóm giai đoạn.
1. Giai đoạn phát triển thân lá: Đây là giai đoạn mầm non phát triển cho đến khi bắt đầu cây có dấu hiệu đứng ngọn. Giai đoạn này cây lan cần nhiều N, nên dùng phân tan chậm và phân bón lá có hàm lượng N cao như dòng 30-10-10 hay loại tương tự.
2. Giai đoạn hình thành chồi nụ, tích trữ dinh dưỡng của lan chuẩn bị cho quá trình ra hoa. Giai đoạn này cây lan cần đều cả ba loại N – P – K, trong đó ưu tiên P. Nên dùng phân bón có hàm lượng cân đối như 20-20-20 hay 14-14-14.
3. Giai đoạn ra hoa, kết quả, nảy mầm: Giai đoạn này cây lan cần nhiều K, nên chọn dùng phân có hàm lượng 7-5-47, hay 6-10-60…
Nhà sản xuất khi đặt công thức phân bón cũng đã căn theo chu trình phát triển của cây trồng nói chung nên cũng đã cho thêm các chất trung vi lượng tương ứng cây trồng cần trong quá trình phát triển đó. Nên nếu dùng phân hoá học cho hoa lan thì ace chỉ cần xem trên bao bì hàm lượng N – P – K tương ứng với các giai đoạn trên là đủ, không cần cho thêm trung vi lượng kẻo bị dư.
Ở trên là nhóm phân đơn, tức là các chất cơ bản cây cần để tổng hợp nên chất dinh dưỡng. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, có nhiều chất được tạo ra sẵn, cây có thể dùng luôn không cần phải tổng hợp, tạm gọi là phân phức hợp… để cho dễ hiểu thì phân đơn như thịt cá rau, mua về phải nấu nướng mới ăn được, còn phân phức hợp là bánh mì kẹp, là pizza… xì tiền ra là có ăn ngay.
Nhóm phân phức hợp như là humic, Atonic, NAA… phun vào là cây lan có thể dùng luôn nên cây nhanh phát, dùng để kích thích cây phát mạnh hơn, giúp cây yếu, cây mới ghép, cây yếu bộ rễ… ăn được ngay. Cách hay nhất là phối trộn dùng đồng thời hai loại.
Hiểu được nhu cầu chất dinh dưỡng cơ bản trong từng thời kỳ của phong lan thì người trồng lan sẽ chủ động điều chỉnh hàm lượng và chủng loại. Biết được cách đọc thành phần trên chai/gói phân bón để chọn loại phân phù hợp cho giai đoạn của vườn.
Nguyên lý chung của phân bón cho phong lan
– Không phun/bón thêm phân thì phong lan không chết vì có thể hút dinh dưỡng trong giá thể, trong không khí, nước mưa. Tuy nhiên cây sẽ còi cọc và không phát triển tốt
– Thêm phân bón cây lan sẽ phát triển mạnh. Nhưng dư phân thì có thể làm cây chết. Chết vì bội thực, chết vì dễ bị ốm đau. Nên dùng loãng nhưng đều đặn cây sẽ hấp thụ tốt hơn và tránh lãng phí phân thuốc
– Dùng sai thành phần của phân cho giai đoạn phát triển thường làm cho cây lan phát triển không đúng chu trình tự nhiên, như đi ngọn nhiều năm, trốn hoa, ra kie..
– Dùng phân bón cũng như ăn cơm, ăn ít mà nhiều lần hay hơn ăn một lần mà nhiều đến no tức.
– Tự chế phân hữu cơ, hay mua phân hữu cơ tự chế cho hoa lan như dịch chuối, dịch các loại hoa lá khác là con dao hai lưỡi… (Nếu dùng thì nên thử nghiệm 1- 2 giò lan trước khi áp dụng đại trà). Đã có tình trạng bán thuốc tự chế kích rễ hữu cơ nhưng là nước lọc pha màu rồi pha thêm hoá chất kich rễ bán trên thị trường. Không am hiểu cơ bản về dinh dưỡng cây trồng thì nên dùng sản phẩm đã chế biến sẵn, về sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất là ok.
Ở trên là nguyên lý cơ bản, ace muốn đi sâu thì hỏi thêm Google nhé.
Một số lưu ý khi phun bón phân cho lan
– Thời điểm phun phân tốt nhất là sáng sớm, sau đó là chiều mát. Nếu trong ngày nhiệt độ lên quá 33 độ C thì khi phun phân lúc 7h sáng, tới 10h30 bạn nên tưới rửa lại lá để tránh tình trạng cháy lá, cháy ngọn lan.
– Trước khi phun phân bón lá nên tưới nhẹ sơ qua để lan hấp thu phân tốt hơn.
– Phun phân bón lá nên ướt mặt dưới của lá vì mặt dưới nhiều khí khổng làm tăng khả năng hấp thu chất. Bên cạnh đó phun phân bón lá tốt nhất là phun ướt bộ rễ hoặc phun vào chất trồng trong chậu để phân ngấm xuống, đây chính là điểm khác biệt của lan so với cây ăn trái, cây công nghiệp và rau màu.
– Cây lan nhỏ thì dùng liều lượng bằng 1/2 so với bao bì hướng dẫn, sau đó tăng dần dần liều lên sau các lần phun và độ lớn về sinh khối của lan. Ví dụ nếu bạn trồng lan chưa bao giờ phun phân, bạn dùng NPK 20-20-20Te liều 2 gam pha 1 lít nước thì có thể cháy ngọn cháy lá và hư rễ, tuy nhiên nếu bạn dùng 0,5gam pha 1 lít sau đó từ từ tăng liều lên, thì sau chục lần dùng phân, khi lan đã quen bạn thậm chí có thể dùng liều 3gam pha 1 lít lan vẫn chịu được.