Trên các diễn đàn về Phong lan thi thoảng sẽ gặp những từ hay cụm từ: Lan đột biến, hoa lan đột biến, lan Var, var alba, var semi alba hay 3n, 4n, 5n … Với nhiều người những khái niệm này không mới, nhưng đối với số ít đây là những từ mới mẻ, hoặc hiểu chưa tường tận. Hy vọng những chia sẻ dưới đây sẽ giúp nhiều bạn hiểu rõ hơn những khái niệm này.
Var, alba, semi alba: (Hình thái đột biến gen)
Đây là những biến đổi trong cấu trúc của gen xảy ra ở cấp độ phân tử tại một điểm nào đó trên phân tử ADN và có liên quan đến sự thay đổi về số lượng, thành phần, trật tự các cặp nucleotide trong gen.
Đột biến trên cây phong lan xuất hiện ở cả lá, hoa và rễ. Nhưng người chơi thường chỉ chú ý đến màu sắc của hoa (trắng tuyền, 5 cánh trắng,…) hoặc lá (lá kẻ, lá biên …).
– Var: viết tắt của từ “variation” – đột biến.
– Alba – mức độ 100% trắng thì là “alba”. (Lan Giả Hạc trắng Thực Hà, trắng Hà Đông …).
– Semi alba – mức độ đột biến khoảng 50% thì dùng “semi alba”. Giả Hạc 5 cánh trắng (5ct Phú thọ, HO, Hải Dương …)
- LƯU Ý: với những biến đổi không ổn định sau tối thiểu 3 năm thì được coi là thường biến. Hay gặp ở những cây lá kẻ, lá biên.
3n, 4n, 5n …: (Hình thái đột biến nhiễm sắc thể)
Đây là sự biến đổi về cấu trúc, hình thái hoặc số lượng NST. Đột biến có thể xảy ra ở một cặp NST nào đó hoặc ở toàn bộ các cặp NST.
3n, 4n, 5n …gọi chung là “thể đa bội”, tức là thể hiện bộ nhiễm sắc thể của chúng. “Thể đa bội” là bộ nhiễm sắc thể của loài tăng lên một hay một số nguyên lần bộ nhiễm sắc thể đơn bội (lớn hơn 2n). Có 2 kiểu đa bội là đa bội chẵn (4n, 6n…) và đa bội lẻ (3n, 5n…).
2n – Thể lưỡng bội là gì:
Thể lưỡng bội là một thể tự nhiên của cơ thể sinh vật phát triển bình thường trong môi trường sống bình thường. Chúng có cơ quan sinh dưỡng và sinh sản phát triển bình thường, kích thước tế bào bình thường, thời gian sinh trưởng và phát triển bình thường, tính bất thụ thấp và khả năng kết hạt cao. Ngắn gọn, thể 2N là thể bình thường trong tự nhiên.
4n – Thể tứ bội (Thể đa bội chẵn) là gì:
Dạng đột biến này thường xảy ra ở thực vật là chủ yếu vì cơ thể thực vật dễ dàng thích nghi hơn. Ở thể này, cây có những biểu hiện tính trạng khác rõ rệt so với thể 2N, Tế bào đa bội có lượng ADN tăng gấp bội, cơ quan sinh sản, sinh dưỡng có kích thước lớn hơn, thời gian sinh trưởng kéo dài hơn, chống chịu tốt hơn so với thể 2N, hàm lượng các chất dinh dưỡng được tích lũy nhiều, trao đổi chất mạnh và tính bất thụ cao.
3N – Thể tam bội (Thể đa bội lẻ) là gì:
Ở thể tam bội, cây dường như có tính trạng dung hòa giữa 2N và 4N, tức lá cây không quá cứng, hoa mềm mại hơn nhưng màu vẫn có độ tăng đáng kể, khả năng chịu đựng tốt và chắc chắn ở dạng này cây bất thụ (Không có khả năng sinh sản hữu tính).
Ngoc Y Nguyen