Tôi vốn đi nhiều, mê hóng chuyện người xưa, nhất là về thú trồng và thưởng địa lan . Chuyện về lan thật phong phú từ cổ chí kim, chỉ xin tản mạn đôi điều về nguồn gốc một loài địa Lan quý Đào Cơ, như một nghĩa cử của kẻ si mê .
Người xưa từng nhận xét : Hoa địa lan là loài hoa cao quý, mang dáng dấp của hiền nhân quân tử. Trong tự nhiên, lan ẩn mãi dưới thung sâu mà hương thơm vẫn tỏa lên ngạt ngào. Ngự trên núi cao, bất chấp bão tuyết mưa sa vẫn lao thẳng lên trời như thanh kiếm dựng ngược để chắt lọc hương mà lan tỏa khảng định mình trong muôn vàn cỏ cây hoa lá. Người xưa , ví lan như ánh trăng lặn sâu dưới đáy biển mà ánh sáng vẫn tỏa lên lung linh trên mặt biển bao la . Do vậy đến với lan chỉ có ong đi lấy mật cho đời. Tuyệt nhiên không có một thứ bướm, ruồi nhặng nào lai vãng. Nhẽ thiên nhiên cũng phân cấp rành rẽ đến thế ư ! Quân ruồi bọ tiểu nhân sao đến được gần với người chính trực quân tử. Giữa chốn xô bồ hương lan cũng một mình một kênh không lẫn, không hòa tan vào đâu được. Khi đậm khi nhạt, khi dầy khi mỏng thoang thoảng, khi thăng lên khi xòa xuống như hương mộc , hương cau. Chẳng vậy mà lan đã được người đời tôn vinh là: Lan đương vương giả chi hương. Với hoa, tiêu chí đánh giá lại là: Nhất hương nhì sắc. Mà với hương trong tứ quý hương: Linh, Kỳ, Diên, Xạ, thì linh là hương thơm cây lan đứng đầu. Các cụ nói: Thơm thảo chính là hương chi lan. Kỳ là trầm hương. Diên là long diên hương ( mùi thơm của rãi cá nhà táng). Xạ là hương của ( tuyến thơm con cầy hương).
Vào khoảng năm (1045 – 1105) thời Bắc Tống, người ta cho rằng: “ Chi lan sinh hàm cốc ”. Nghĩa là sự miêu tả hết sức gần gũi với hoàn cảnh sinh thái của hoa lan. Những người đời xưa chỉ vào rừng, lên núi tìm lan thưởng thức, hoặc chỉ hái hoa lan mọc ở trong rừng đem về cắm chơi là chủ yếu, khi có cung đình thì mới có việc thuần và trồng hoa lan, mới có tứ kỳ viên tức( Mộc, thạch, ngư, cầm). Mãi cho tới đời nhà Đường thì việc trồng lan mới được phổ biến trong các quan và dân chúng. Nhà thơ Lý Bạch đã từng tả: Hàm lan hương phong viễn, huệ thảo lưu phương căn. Nghĩa là: ( gió đưa mùi hương, mùi thơm của hoa lan đi rất xa, còn loại cỏ như huệ thì mùi thơm đượm ở rễ ).
Trong các loài lan đẹp và quý người xưa đã điểm danh thì thấy có lan Đào Cơ và Anh Cơ. Đào, là chỉ có màu hồng thẫm đỏ của đào. Cơ, thời xưa là tên đẹp của phụ nữ, là vợ lẽ. Người có công đầu tìm ra Đào Cơ phải kể đến ông Lý Trụ. Thời ấy, Lý Trụ người tỉnh Phúc Kiến, say mê cây cảnh được tuyển vào coi sóc vườn hoa của vua. Chưa hài lòng với mấy chục loài lan quý, tuyết, nguyệt, phong, hoa mời gọi cảnh vướng tình. Ông xin được lên đỉnh Lam Thạch đầy hiểm trở để tầm thêm quý thảo lạ. Giữa đại tuyết năm ấy. mặc cái rét như trăm mũi kim châm nhức buốt tái tê, chân tay rớm máu, ông đã phát hiện ra loài cỏ lạ có hương thơm đang nhú ngồng non. Thấy lá cây gọn mà xanh biếc long lanh, uốn cong như lông mày thiếu nữ, lại đổi màu lá theo thời khắc, chiếc áo cộc nửa kín nửa hở không đủ che thân hình lăng trụ đang độ sung mãn, chồi cần hơn hớn chỉ thiên hiên ngang, tiềm ẩn độ hào khí chính trực quân tử, lãng mạn, biến hóa cương nhu khác thường. Ông bèn đánh dấu chờ tiết lập xuân sau mới quay trở lại. Tiết Xuân năm ấy thật tuyệt. Đỉnh Lam Thạch như tiên cảnh. Trăm hoa đua nở khoe sắc, ong bay rộn ràng, chim lứu lo rung nhạc đã làm ông lạc bước. Nhờ có làn gió nhẹ đưa hương thơm mỏng tang thoảng qua, với nhạy cảm của mình, ông xoay nghiêng người ngồi xuống, nhắm mắt lại chờ nhịp thoảng hương sau . Nhiều lần khi có, khi không ấy ông cũng đã dò tìm được loài thảo quý ông đã hẹn và quyết gặp. Sở dĩ sau này được đặt tên “ Đào Cơ ” trong vườn vua , bởi theo người Trung Quốc là vì hoa có mầu hồng thẫm như hoa bích đào. Cơ, chỉ người con gái đẹp nhưng đến sau. Nghĩ đến việc cấm kỵ thời ấy. Vua chơi lan, quan chơi trà, đại hào gia chơi cây cảnh nên ông đành bí mật theo dõi tính ăn, nết ở của cây, mong một ngày kia bất ngờ tiến vua hưởng lộc. Từ khi bứng ẵm lan về. Mười hai tuần trăng tròn rồi khuyết, mùa Xuân đến hẹn lại về, nhưng thật xót xa. Thay cho việc thai nghén, đơm cần hàm tiếu thì Đào Cơ đã ủ rũ quên sinh. Ông sững sờ thất vọng! Ông nghĩ mình phận mọn, chưa tịnh nên quyết bỏ cả tửu trà, thuốc sái vui thú khác. Lần này, ông nhịn ăn ba ngày rồi lên núi, kính cẩn thắp hương trầm khấn vái cầu xin trời đất để ông đón lan về. Trời vẫn rét căm căm nhưng nước mắt, mồ hôi mặt ông vẫn vã ra thấm ướt cả vuông khăn lụa. Ông liền vắt ra rồi vẩy đều lên mặt lá lan, lau tắm thân lan, sau cùng ông xé khăn nhỏ từng mảnh buộc hờ như khoác áo vào thân lan, ông tin trời đất sẽ thấu lời cầu xin của ông nên mách ông trong mộng làm theo cách ấy. Ba mùa Xuân nữa trôi qua, vuông lụa rửa mặt với ba cung bậc hạ dần độ cao, nàng sơn nữ đã chịu xuống núi tọa lạc trong vườn họ Lý. Nàng đã quen dần với mỗi bình minh thức giấc, được chủ nhân vuốt ve, rẩy nước từ chiếc khăn lụa rửa mặt mỗi sớm vắt ra và cứ thế thục nữ phởn phơ nghinh phong vọng nguyệt. Không gì vui sướng bằng, một đêm nọ trằn trọc không ngủ được, ông chiêm bao về lan, ông cho là điềm lành và dậy thăm vườn, soi đèn phát hiện ra vết nứt bên lách thân lan đang nhú một chồi non. Ông thầm cảm ơn trời đất đã không phụ lòng ông, đã cho Đào Cơ sinh nở. Không thể tả nổi niềm vui, khi xuân ấy Đào Cơ đã đơm hoa, hàm tiếu dâng hiến hương sắc hiếm có nổi trội trong mấy chục loài lan quý .
Khi biết tuổi cao sức yếu và mệnh trời. Lý Trụ không còn quỹ thời gian coi sóc vườn quý của vua trong cung cấm, ông xin nghỉ việc và quyết định hiến Đào Cơ vào vườn cảnh của vua với đầy đủ ghi chép từ lần đầu phát hiện hương lạ để tìm ra quý vật. Ông cũng không quên hiến vuông khăn lụa đầy ân nghĩa cho chủ mới, kèm theo công thức chăm sóc mà lan Đào Cơ đã quen hơi bén nết với ông từ buổi đầu bỡ ngỡ .
Lý Trụ qua đời, người ta đã quàng một dải khăn lụa nhỏ để tang cho chậu lan Đào Cơ . Đúng giỗ đầu của ông, chậu Đào Cơ trong vườn vua cũng lặng lẽ, âm thầm, ủ rũ bỏ đi trong bao nuối tiếc. Người trông coi vườn thượng uyển bị xử cách chức, đuổi khỏi cung . Hắn là một kẻ tiểu nhân cơ hội, miệng sặc ba hoa, lòng đầy tham lam, dục vọng tà khí, tiềm ẩn nhiều toan tính xấu xa hiểm độc bất trắc. Mặc dù vẫn dùng vuông khăn lụa của Lý Trụ rửa mặt, lấy nước rửa mặt mỗi sáng để rửa mặt cho lá chăm lan, song do tuyến mồ hôi của hắn quá mặn, có quá nhiều của ngon vật lạ, trà dư tửu hậu, thừa mứa đào thải khiến Đào Cơ bội thực mà đoạn tuyệt với phú quý cao sang.
Thương tiếc lan Đào Cơ, càng tiếc thương cảm phục họ Lý, một con người tâm sáng, lòng trong, trung quân như nhất, vua đã cho truy phong ông một chức quan, tựa như chức quan “ Tầm Lan ” trông coi vườn thượng uyển thời vua Trần ở ta vào thế kỷ mười ba.
Sau nhiều lần công phu, tuyển lựa loài lan Đào Cơ cũng được thuần dưỡng trồng ở trung du và đồng bằng, nhưng trồng lan đẹp và có hương quý nhất vẫn là vùng đất Mèo Phiêu, và Đài Bắc. Đào Cơ có hoa rất giống với hoa Anh Cơ nhưng hương thì mỏng hơn, bền hơn, khuếch tán lan tỏa xa hơn. Khác với các loại hoa phi khiên, tức vai bay và lạc khiên, tức vai rơi thì Đào Cơ có dáng bình khiên. Hoa có vai bằng chữ nhất (-) mầu hồng đỏ, cánh mỏng , hầu nhỏ nhưng phấn gọn. Khi có chồi non thì mầu phấn hồng, khi trưởng thành thì chuyển sang mầu xanh nhạt lá cây, lá hơi rủ xuống. Ở Đài Bắc, Anh Cơ, Đào Cơ là hai chị em được xếp vào loại Mặc lan. Vào khoảng năm 1960 thì Đào Cơ đã vượt biên sang các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Nhật, Triều…làm phong phú thêm hương sắc cả một vùng rộng lớn. Tuy nhiên, nhân giống loài lan này vẫn xếp vào loài khó ăn khó ở, nhạy cảm, đỏng đảnh với thời tiết nên cũng kén người chơi. Chủ yếu vẫn tập trung vùng địa lý phân rõ tứ thời bát tiết như các vùng xung quanh Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng . Vì có mầu hồng thẫm, màu mang lại nhiều may mắn ngày Xuân nên Đào Cơ được nâng niu cưng chiều của nhiều người sành điệu.
Trong một số tài liệu có ghi chép. Hoa lan nâu đen Tần Mộng nở vào tháng mười, Đào Cơ nở vào tháng giêng và một số các loài địa lan quý có một lượng Ezym rất đặc biệt trong hương, có lợi cho sức khỏe của con người. Lan Sứa hồng (Kim tuyến, lá gấm, kim cương) của Việt Nam đã được Trung Quốc thu mua để làm thuốc. Ở Việt Nam rượu ngâm hoa lan lá gấm và phi điệp chữa được nhiều bệnh được danh y Hải Thượng Lãn Ông ghi chép lưu truyền. Mặc lan (lan báo tuế) Đại Mặc, Mặc lùn, Tiểu mặc vv nếu để ý kỹ thì thấy có một mùi hương đặc trưng hơi nồng gần giống mùi tinh dầu long lão. Loại hương này rất tốt , chống bệnh trầm cảm. Hương lan đưa ta vào giấc ngủ sâu rất nhẹ nhàng, khi tỉnh dậy thấy khoan khoái lạ thường, đầu óc minh mẫn sáng láng…
Đúng như người xưa đã nói : “ Nhân bất thiện chi hoa chi diện, nhân hữu thiện chi hoa chi mạo ” Nghĩa là, người bình thường xem hoa chỉ xem được vẻ đẹp bề ngoài của hoa. Trái lại, người tài giỏi và sâu sắc thì xem hoa thấy được cả gốc rễ cả cái đẹp về nội dung ẩn chứa trong hình tượng biểu đạt của hoa. Thật cảm phục cái thú nuôi, chơi hoa xưa của ông cha ta mới sâu đậm ân nghĩa và thanh lịch làm sao!
Ngày nay, một số người trồng chơi lan, cây cảnh sành điệu khi thành thiên cổ, gia quyến thường có tục để tang cho cây, cho chậu là thể hiện cái nghĩa cử tôn vinh quý vật đã trung thành với quý chủ có lẽ cũng bắt nguồn từ truyện vuông lụa xưa của Lý Trụ với nàng Đào Cơ đó chăng ?
sưu tầm