Cách phân biệt các loại lan hài. Trong bài này mình chỉ đề cập đến các loài hài Việt Nam. Cũng như chỉ nêu ra đặc điểm khác nhau của các cặp hài DỄ LẪN LỘN NHẤT. Bài này cũng chỉ có tính chất tham khảo, không mang tính chuẩn mực. Vì như các bạn chơi hài cũng đã rõ, hài biến thiên kiểu hình rất đa dạng thậm chí ngay cả trong một loài, việc phân biệt chúng đôi khi gặp rất nhiều khó khăn. Còn chưa kể đến những trường hợp cây đột biến, biến dị một cách khác thường. Cây sống ở môi trường sống khác nhau nên có những quần thể có kiểu hình đặc trưng vùng miền khác nhau.
Ngay chỉ trong một loài, cây biến đổi bề ngoài sau khi được nuôi trồng v.v…. Và để phân biệt tốt, ta cần phải có KINH NGHIỆM cọ sát nhiều chứ không chỉ là kiến thức. Chính vì vậy bài này sẽ cung cấp cho các bạn các đặc điểm thường gặp nhất hoặc cốt lõi nhất (tùy loài). Và tất nhiên là cây không bông (cây có bông thì rõ ràng rồi).
Các loài hài ở Việt Nam thường làm cho người mới chơi rất bối rối khi phân biệt. Nhưng khi bạn đã quen thì cũng không phức tạp là bao. Đầu tiên mình sẽ lưu ý một số điểm, để gợi ý cho các bạn khi tập làm quen với việc phân loại chúng.
Lúc đầu, khi chưa quen và không biết bắt đầu phân biệt làm sao. Các bạn cần tập trung vào HÌNH DÁNG LÁ, tức lá tròn dài hay thuôn, hình mũi mác hay hình bầu. Mỗi loài có đặc điểm hình dáng lá riêng nên hãy để ý thật chi tiết và ghi nhớ cho từng loài nhé. Tiếp theo, GỐC HÀI là một phần rất quan trọng. Hãy để ý các vết đốm, chúng sẽ nói cho bạn biết tên của nó là gì. ĐỘ CỨNG, DÀY VÀ MÀU CỦA LÁ cũng là một phần rất quan trọng. Có loài lá mỏng, loài lá dày, loài lá ráp, loài lá bóng trơn v.v….Cuối cùng là KÍCH THƯỚC VÀ DÁNG CÂY. Mình xếp kích thước và dáng cây ở cuối vì kích thước khá là biến động.
Cây ở rừng có thể bé, nhưng khi về nhà trồng nó lại to đùng lên. Có khi còn lớn hơn cả loài khác mà na ná với nó. Và ở rừng cũng có những cây rất khủng làm mình không nghĩ đến đấy là một loài có kích thước trung bình khá nhỏ bé. Còn dáng cây thì rất khó nhìn. Nó chỉ được áp dụng khi không thể phân biệt bằng các đặc điểm bên trên nữa. Bao gồm cách cây mọc, cách cây ra lá, dáng phát hoa, dáng nụ v.v… Tóm lại, mọi thứ sẽ rất rõ ràng và dễ dàng hơn nếu các bạn để ý thật CHI TIẾT.
Cây ở rừng có thể bé, nhưng khi về nhà trồng nó lại to đùng lên. Có khi còn lớn hơn cả loài khác mà na ná với nó. Và ở rừng cũng có những cây rất khủng làm mình không nghĩ đến đấy là một loài có kích thước trung bình khá nhỏ bé. Còn dáng cây thì rất khó nhìn. Nó chỉ được áp dụng khi không thể phân biệt bằng các đặc điểm bên trên nữa. Bao gồm cách cây mọc, cách cây ra lá, dáng phát hoa, dáng nụ v.v… Tóm lại, mọi thứ sẽ rất rõ ràng và dễ dàng hơn nếu các bạn để ý thật CHI TIẾT.
Sau đây là một số các cặp hài mà mọi người cảm thấy khó phân biệt và cách nhận biết:
1. Hài Hồng và Hài Ráp (delenatii vs malipoense): mới nhìn chưa quen thì thấy rất giống nhau. Nhưng khi sờ vào lá thì lá Ráp tạo ra một cảm giác nhám tay. Chính vì thế nên người ta mới gọi là hài Ráp, hơn nữa lá hài Hồng thường đậm màu hơn, có vẻ mềm hơn.
2. Hài Hồng và Hài Gấm (delenatii vs concolor): Hai cây này rất dễ nhầm lẫn, đặc biệt qua tranh ảnh. Đối với cặp này thì lá của hài Hồng lại thường nhám hơn của hài Gấm và lá hài Gấm thường bóng hơn (tuy nhiên vẫn có cây lá nhám). Lá hài Gấm thường dày và thường mọng nước hơn. Thân Gấm sẽ có vẻ lùn hơn Hồng. Dáng cây của hài Hồng mọc cân đối hơn. Lá mọc theo hướng như đang ôm lấy một hình tròn, còn Gấm thì lại thường rủ lá xuống.
3. Hài Hồng và Hài Bóng (delenatii vs vietnamense): Cặp này không khó để phân biệt. Đơn giản là hài Bóng thì lá rất bóng, và lá thường khá dày. Lá hay có sóng lượn mép lá, có màu ngả bạc và mặt dưới lớp màu tím dày hơn. Trong khi lá hài Hồng mỏng hơn, thường ngả về màu xanh – xanh đậm.
4. Hài Vân Nam và Hài Táo (callosum vs appletonianum): Cặp đôi này rất dễ nhầm, và gần như không thể phân biệt khi dựa vào vân, lá, gốc ….Đôi khi Hài vân nam có gốc tím, còn Hài táo thì thỉnh thoảng lại có gốc trơn. Hài Vân nam có lá thường bóng, dày hơn và mọc dựng lên. Nhưng có rất nhiều trường hợp hài Táo cũng có kiểu hình y chang như vậy.
Thông thường người ta phân biệt dựa vào vân lá và gốc. Vân của hài Vân nam thường mờ nhạt, còn hài Táo thì lại rất rõ ràng. Gốc hài Vân nam thường trơn (không màu tím) và hài Táo thì có gốc tím. Nhưng dấu hiệu nhận biết này không đảm bảo tỉ lệ đoán đúng cao cho lắm. Cách để biết chắc chắn đó là hài Vân nam hay hài Táo là nhìn vào THÙY LÁ. Hài Vân nam có 2 thùy trong khi Hài Táo có 3 thùy.
5. Hài Vân nam và Hài Vân bắc (callosum vs Purpuratum): Hài Vân nam thường có lá dày hơn, mọng nước, vân lá mờ hơn, lá mọc dựng thẳng. Còn Hài Vân Bắc lá thường mỏng hơn, ráp hơn so với Hài Vân nam. Lá thường mọc rủ lá xuống, màu vân cũng thường sáng và rõ ràng hơn.
6. Hài Lông và Hài Kim (hirsutissimum vs villosum): Đơn giản là hài Lông gốc trơn, hài Kim gốc có đốm tím. Khỏi cần nhìn lá mặc dù cũng có khác biệt rõ.
7. Hài Henry và hài Helen (helenae vs henryanum: Đơn giản là Hài Helen có kích thước nhỏ hơn Hài henry nhiều. Ngoài ra, lá Hài Helen có viền trắng ngoài mép rõ hơn. Lá thường xanh đậm ngả bạc, lá thon và đôi khi rất dài, nhưng lá vẫn rất thon. còn Hài Henry thì lá lại xanh tươi hơn, bản lá to hơn (không thon đều như Helen) và kích thước to hơn nhiều.
8. Hài Henry và Hài Cocci (henryanum vs barbigerum ): Hài Cocci lá thường thuôn dài hơn nhiều so với Hài Henry. Gốc của Hài Cocci có đốm thường nhỏ và mịn hơn cùng với những sọc dọc. Còn đốm gốc của Hài Henry lại thường to hơn, đậm và rõ hơn.
9. Hài Henry và Hài Trần Liên (Henryanum vs tranlienanum): Bản lá Trần Liên thường bè to ra, đôi khi có các mép sóng, đặc biệt, gốc có các vệt tím hồng (không phải đốm) rất mịn. Cặp này khá khó nhận biết.
10. Hài Kim và Hài Đuôi công (callosum vs gratrixianum): Hài Kim lá thường thon hơn Đuôi công, lá thường mọc dựng đứng lên, nhìn có vẻ cứng cáp hơn. Đuôi công thì có bản lá to hơn, lá thường có xu hướng rủ xuống, đôi khi nhìn rõ các vân lá và có gốc tím thường mờ nhạt hơn nhiều.
11.Hài Hương và Hài Hằng (emersonii vs hangianum): Cặp này gây sóng gió cho những người mới chơi. Không có đặc điểm nào tuyệt đối và dễ nhận ra khi phân biệt chúng. Nhưng lá hài Hằng thường có vẻ cứng cáp hơn nhiều. Lá ngả màu bạc hơn, thường có mép sóng ở lá rõ hơn và kiểu mọc của cây nhìn rất cứng cáp. Hài Hương thì lá lại có xu hướng chuyển màu xanh tươi nhiều hơn, thường xuyên. Có thể thấy rõ các vân lá, lá có xu hướng cong xuống và không dày bằng hài Hài Hằng. Cả 2 loài đều có thể có các cá thể có gốc tím trong tự nhiên.